Hầu hết thời gian buổi xét xử, các luật sư và công tố viên tranh luận về việc truy tố các bị cáo tội danh “dùng nhục hình”.

Luật sư: Truy tố tội danh không không có cơ sở pháp lý

Tranh luận “nảy lửa” về tội danh 5 công an dùng nhục hình
Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành – nguyên thiếu úy Đội CSĐT Công an TP Tuy Hòa) tranh luận: “Tội “dùng nhục hình” chỉ xảy ra trong hoạt động điều tra. Tôi xin hỏi công tố viên, Viện KSND TP Tuy Hòa truy tố năm bị cáo trong vụ án với tội danh trên dựa trên cơ sở pháp lý nào? Viện áp dụng điều luật nào để nói về hoạt động điều tra trong vụ án này?”.

Luật sư Nguyễn Văn Thắng (Đoàn luật sư Hà Nội, cũng bào chữa cho bị cáo Thành) nói thêm: “Theo quy định pháp luật, hoạt động điều tra phải do chủ thể đặc biệt thực hiện, được thể hiện bằng một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong hoạt động điều tra, ở giai đoạn tiền tố tụng có các hoạt động như: khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, bắt quả tang, bắt khẩn cấp và tạm giam, tạm giữ. Luật cũng quy định trường hợp tạm giam, tạm giữ không thực hiện vào ban đêm ngoại trừ trường hợp bắt khẩn cấp."

"Trong vụ án này, Công an TP Tuy Hòa nhờ Công an xã Hòa Đồng mời anh Ngô Thanh Kiều 7g30 ngày 13-5-2012 đến trụ sở công an xã làm việc, nhưng lúc 2-3g sáng 13-5-2012 đã bắt rồi còng tay dẫn giải anh Kiều đi. Sau đó đưa anh Kiều về trụ sở Công an TP Tuy Hòa lấy lời khai, đánh đập anh đến mức tử vong. Tất cả các hoạt động trên của Công an TP Tuy Hòa đều thực hiện theo lệnh miệng của ông Lê Đức Hoàn – phó trưởng Công an TP Tuy Hòa – mà không có một văn bản pháp lý nào. Đây chỉ là hoạt động của ngành công an chứ không phải là hoạt động điều tra”. - Luật sư Thắng nói.

Tranh luận với các luật sư, bà Ngô Thị Hồng Minh – kiểm sát viên Viện KSND TP Tuy Hòa giữ quyền công tố tại tòa – khẳng định: “Trong vụ này, chủ thể thực hiện tội phạm là khi thực hiện hành vi phạm tội cả năm bị cáo đều là trinh sát viên, điều tra viên và được lãnh đạo ban chuyên án phân công canh giữ, xét hỏi đối tượng tình nghi là Ngô Thanh Kiều, như vậy là thỏa mãn với chủ thể phạm tội dùng nhục hình. Còn khách thể là bị hại Kiều, dù chưa có lệnh tạm giữ, tạm giam hoặc quyết định khởi tố, truy tố của cơ quan có thẩm quyền, nhưng đây là một trong những đối tượng mà Công an TP Tuy Hòa đã lập chuyên án theo dõi."

Bà Hồng Minh khẳng định: "Thực tế là trong các đêm 10 và 11-5-2012, Kiều đã cùng hai đối tượng khác đi chung ôtô đến thị xã Sông Cầu thực hiện hành vi trộm cắp, bị lực lượng chức năng theo dõi, mật phục để bắt. Hai bị cáo này sau đó ra tòa đã khai nhận cùng Kiều thực hiện bảy vụ trộm cắp. Như vậy, anh Kiều là đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đã được đưa về công an để xét hỏi, thì đó là hoạt động điều tra”.

Không hài lòng với nội dung tranh luận trên, luật sư Lê Ngọc Hoàng nói: “Công tố viên đã không chỉ ra được điều luật cụ thể nào nói các hoạt động trên của Công an TP Tuy Hòa là hoạt động điều tra. Những hoạt động trên của Công an TP Tuy Hòa không tuân thủ theo các quy định của pháp luật thì không thể là hoạt động điều tra được”.

“Lưới” pháp luật chỉ bắt được cá nhỏ

Tranh luận tại tòa, luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ quyền lợi cho gia đình anh Ngô Thanh Kiều, nói: “Tôi tiếp tục đề nghị hội đồng xét xử xem xét khởi tố đối với ông Lê Đức Hoàn – phó trưởng Công an TP Tuy Hòa – ba tội danh: “bắt giữ người trái pháp luật”, “dùng nhục hình” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.


Hai bị cáo Nguyễn Tấn Quang (bìa trái) và Đỗ Như Huy xin lỗi gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều sau khi kết thúc phiên xử sáng 29-3 - Ảnh: DUY THANH
Luật sư Đôn cho nói: "Trong phần tranh luận chiều 28-3, công tố viên nói vì ông Hoàn có nhiều cống hiến, công trạng nên miễn trách nhiệm hình sự là không đúng quy định pháp luật. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ông Hoàn có dấu hiệu phạm đến ba tội mà không khởi tố, trong khi năm bị cáo ở đây chỉ phạm một tội đã đưa ra xét xử là thiếu công bằng."

"Ở một góc độ nào đó, tôi thấy năm bị cáo này là nạn nhân của ông Hoàn vì ông ta là người lãnh đạo, chỉ huy toàn bộ vụ việc này để xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là làm chết một người. Nếu ông Hoàn không chỉ đạo thuộc cấp bắt anh Kiều trái pháp luật vào lúc nửa đêm, nếu ông Hoàn có trách nhiệm hơn trong việc giám sát, kiểm tra việc xét hỏi của thuộc cấp thì không thể xảy ra hậu quả là anh Ngô Thanh Kiều tử vong”. - Luật sư Đôn nhận định.

Luật sư Đôn ví von: “Nếu không khởi tố ông Hoàn thì có thể nghĩ rằng pháp luật như một tấm lưới chỉ bắt được những con cá nhỏ, còn cá lớn thì lại lọt lưới”.

Bà Ngô Thị Tuyết, chị ruột anh Kiều, đại diện cho người bị hại, đặt vấn đề với công tố viên: “Em tôi bị bắt hết sức vô cớ. Cứ cho là Kiều có đi chung xe với hai đối tượng trộm cắp thì công an cũng phải xem xét là em tôi đi theo với động cơ gì, lỡ Kiều chỉ đi theo chơi mà không biết gì về việc trộm cắp của hai đối tượng đi cùng thì sao? Hoặc hai người kia khi bị bắt thì đổ tội cho Kiều thì sao? Công an không nghĩ đến điều đó mà vội vàng đi bắt em tôi, còng tay, không cho ăn uống gần một ngày trời rồi đánh đập nhẫn tâm đến chết là một tội ác".

Bà Tuyết nói tiếp: "Là người chỉ huy, ông Lê Đức Hoàn phải nhận trách nhiệm việc này. Tôi cũng thấy rằng cần đặt ra vấn đề lương tâm ở đây: có đến bảy công an gồm cả bị cáo lẫn các nhân chứng, khai rằng trong lúc ăn cơm trưa ngày 13-5-2012 ở tiền sảnh Công an TP Tuy Hòa, họ nghe nhiều tiếng kêu la đau đớn của Kiều. Thế nhưng không ai động lòng, không ai can ngăn mà vẫn thản nhiên ngồi ăn cơm như thế”.

Tranh luận về vấn đề này, kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh nói: “Khi xem xét trường hợp ông Lê Đức Hoàn, Viện KSND TP Tuy Hòa thấy rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nên không khởi tố. Các tình tiết để không khởi tố đối với ông Hoàn được xem xét toàn diện chứ không chỉ riêng một nội dung là có nhiều công trạng, chẳng hạn đó là sự khẩn trương của công tác phá án, là đối tượng tình nghi đã theo dõi mật phục và nhiều lý do khác”.

Bà Minh cũng cho biết việc đề nghị khởi tố là của luật sư, còn chấp nhận hay không là của hội đồng xét xử, nếu tòa không đồng ý thì luật sư có quyền làm đơn gởi đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đề nghị khởi tố ông Hoàn theo luật định.

Kết thúc phần tranh luận, chủ tọa phiên tòa tuyên bố hội đồng xét xử nghị án. “Vì đây là vụ án phức tạp, có nhiều nội dung, chứng cứ cần xem xét thấu đáo nên thời gian nghị án kéo dài. Tòa sẽ tuyên án lúc 14g chiều ngày 3-4-2013” – chủ tọa Lý Thơ Hiền thông báo.

DUY THANH

Cương quyết không nhận tội

Nói lời sau cùng trước khi tòa vào nghị án, bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cương quyết: “Tôi không đánh Ngô Thanh Kiều nên tôi không có tội. Tôi rất nhục nhã khi đứng trước vành móng ngựa với những bị cáo còn lại của vụ án này, bởi họ dám làm mà không dám chịu trách nhiệm. Tôi là người khai báo thẳng thắn, trung thực nhưng lại đi ở tù thay cho những người gây án”.

Bốn bị cáo còn lại gồm Nguyễn Minh Quyền (42 tuổi, nguyên thiếu tá, đội phó Đội trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên), Nguyễn Tấn Quang (39 tuổi, nguyên thiếu tá, đội phó Đội điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa) và hai cán bộ điều tra của Công an TP Tuy Hòa gồm Phạm Ngọc Mẫn (34 tuổi, nguyên thượng úy), Đỗ Như Huy (29 tuổi, nguyên trung úy) đều xin lỗi gia đình bị hại, bày tỏ hối hận về hành vi vi phạm pháp luật và mong được khoan hồng.
Tag: luat hinh su, luật tố tụng hình sự, luat dan su